UBND Xuân Hồng

Hoạt động

Nam Định: 23.100ha lúa phải gieo cấy lại

Đăng ngày:

Mênh mông biển nước
Theo Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh, vụ mùa 2018, toàn huyện gieo cấy hơn 7.500ha lúa. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lũ kéo dài nên lúa mới cấy bị ngập trắng. Phòng đã chỉ đạo các xã gieo mạ nền bổ sung bằng giống lúa ngắn ngày, ít nhiễm bệnh bạc lá, đảm bảo cấy hết diện tích, không để ruộng hoang. Tuy nhiên mực nước nội đồng ở một số xã miền 3, miền 4 vẫn còn lớn, trong khi mạ nền gieo bổ sung đã đến ngày xuống đồng.

Ông Phạm Quang Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh cho hay, toàn huyện đã gieo cấy được khoảng 75% diện tích. Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài khiến hơn 1.800ha lúa phải gieo cấy lại hoàn toàn, diện tích tỉa dặm lại trên 900ha.

 

Ông Minh cho biết thêm, đối với những diện tích đã cấy, người dân đang tập trung chăm sóc, bón thúc phân cho lúa sinh trưởng nhanh và phun trừ rầy, phòng chống dịch bệnh lùn sọc đen.

 

 

Đối với những diện tích phải gieo cấy lại lần 2, ông Minh lo lắng, nếu mực nước nội đồng ở các xã miền 3, miền 4 không tiêu thoát nhanh, sẽ ảnh hưởng đến mạ gieo bổ sung. Bởi, mạ đã đến ngày xuống đồng. Nếu để mạ quá ngày, khi cấy cây sinh trưởng kém, đẻ nhánh không nhiều và giảm năng suất.

Ghi nhận tại các xã miền 4 của huyện Trực Ninh, chúng tôi không khỏi xót xa trước những cánh đồng vẫn còn chìm trong biển nước. Người dân nơi đây như ngồi trên đống lửa.

Vừa tưới nước bùn cho mạ, bà Phạm Thị Mơ (xã Trực Thắng) vừa ngao ngán, mạ gieo bổ sung đã đạt 2 – 3 lá, đủ thời gian để xuống đồng. Thế nhưng ruộng ngập úng chưa cấy lại được. “Mưa lớn kéo dài, nước nội đồng không tiêu thoát được nên 1 mẫu lúa bị chết hết. Gia đình tôi đã chủ động gieo lại mạ nếp để cấy lần 2, song chờ mãi nước vẫn chưa tiêu thoát”, bà Mơ buồn rười rượi.

 

Tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị Yến (xã Trực Đại) đang cặm cụi cấy lại lúa. Bà bảo, 5 sào lúa mới cấy bị ngập trong nước nhiều ngày liền nên đã thối rễ, chết. Bà đang phải cấy lại lần 2. Tuy nhiên chỉ cấy được những mảnh ruộng cao, còn chỗ trũng vẫn chờ nước rút.

 

23.100ha phải gieo cấy lại

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 31.000ha lúa. Trong đó, 23.100ha phải gieo cấy lại hoàn toàn (gồm huyện Nghĩa Hưng 5.900ha, Hải Hậu 5.500ha, Nam Trực 3.500ha, Giao Thủy 3.700ha, Xuân Trường 2.600ha…).

 

 

 

 

Ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay, chủ trương ban đầu của tỉnh là không gieo sạ, nhưng người dân một số nơi vẫn cố tình gieo, trong đó huyện Vụ Bản tỷ lệ gieo sạ lên đến 70%. Hai là, theo lịch đến ngày 20/7, tỉnh kết thúc vụ mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều ha lúa phải gieo cấy lại. Dự kiến đến ngày 5/8 mới khắc phục xong hậu quả.

Ngoài ra, cơ cấu giống bị xáo trộn. Thời vụ kéo dài nhiều trà, nhiều giống. Các mô hình cánh đồng lớn, SX tập trung sẽ không được như ban đầu. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo thâm canh, phòng chống bệnh bạc lá, bệnh lùn sọc đen không còn được thuận lợi, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc trừ rầy lứa 4 sẽ bị kéo dài, lứa rầy cũng kéo dài, phun trừ sẽ không hiệu quả…


Ông Điền cho biết thêm, từ ngày 13 – 21/7, trên địa bàn Nam Định có mưa lớn nhiều ngày liền, kết hợp với việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình khiến mực nước sông dâng cao nên việc tiêu thoát nước nội đồng là rất khó.

 

“Hiện tại, toàn tỉnh đã gieo cấy được 82% diện tích. Đối với những diện tích đã cấy, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung chăm sóc, chăm bón lúa, phòng trừ dịch bệnh lây lan…”, ông Điền bộc bạch.

Tại huyện Hải Hậu, các xã vùng trũng cũng gian nan không kém. Nhiều cánh đồng vẫn chìm trong biển nước, chưa thể cấy lại. Ông Trần Văn Thiệm, Chủ tịch UBND xã Hải Đường bộc bạch, xã có hơn 300ha lúa phải gieo cấy lại. Trước những diễn biến của thời tiết, nhận thấy mưa lũ còn kéo dài, xã đã chỉ đạo người dân gieo mạ nền bổ sung. Đến nay cây mạ đạt 2 – 2,5 lá nhưng vẫn chưa thể cấy.

Bình luận